NGHIÊN CỨU VI NHÂN GIỐNG CÂY TRẦU BÀ ĐẾ VƯƠNG ĐỎ
Corresponding Author(s) : Trần Trọng Tuấn
Tạp chí Khoa học Đại học Công Thương,
T. 23 S. 2 (2023)
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, quy trình vi nhân giống cây trầu bà đế vương đỏ (Philodendron ‘Imperial Red’) từ mẫu chồi nuôi cấy in vitro được thực hiện. Kết quả thu được cho thấy, môi trường MS (Muraghige và Skoog) bổ sung 1,5 mg/L benzyl adenine (BA) là môi trường thích hợp cho giai đoạn nhân nhanh, với số lượng chồi mới tạo thành 6,50 chồi/mẫu sau 6 tuần nuôi cấy. Trong giai đoạn tiếp theo, chồi được chuyển sang môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/L indole-3-butyric aicd (IBA) để tạo rễ. Sau 8 tuần nuôi cấy ở điều kiện in vitro, tỷ lệ cây con ra rễ 100% với trung bình 14,55 rễ/mẫu, chiều dài đạt 4,38 cm và số lá đạt 6,83. Các cây con sau đó thích nghi tốt khi được đưa ra trồng ở điều kiện vườn ươm, với tỷ lệ sống 100%, trung bình chiều cao cây 6,80 cm, chiều dài lá 5,27 cm, chiều rộng lá 2,90 cm và chỉ số diệp lục (SPAD) là 11,68 sau 4 tuần trồng. Khí khổng và chỉ số SPAD của cây ở các giai đoạn nuôi trồng khác nhau cũng được quan sát ở nghiên cứu này. Số lượng khí khổng gia tăng dần theo thứ tự các giai đoạn: cây nuôi cấy ở giai đoạn in vitro, cây trồng ở vườn ươm, và cây được trồng ở điều kiện tự nhiên (cây thành thục). Chỉ số SPAD cũng có sự thay đổi, theo thứ tự gia tăng dần là: cây trồng ở vườn ươm, cây nuôi cấy ở giai đoạn in vitro, và cây được trồng ở điều kiện tự nhiên (cây thành thục). Các kết quả đạt được của nghiên cứu góp phần xây dựng một quy trình vi nhân giống loài cây này có hệ số nhân giống cao, chất lượng cây giống tốt, cung cấp cây giống cho thị trường cây cảnh ở Việt Nam.
Từ khóa
Tải xuống trích dẫn
Kiểu Endnote/Zotero/Mendeley (RIS)BibTex